Chuyên viên môi trường Long Journey (trái) kể những câu chuyện từ trải nghiệm thực tế của anh – Ảnh: L. ĐIỀN
Đây cũng là dịp giới thiệu bản dịch quyển sách Niên lịch miền gió cát của Aldo Leopold – tác phẩm thấm đẫm tình yêu thiên nhiên. Quyển sách được ra mắt bạn đọc Việt Nam sau ngót 71 năm (nguyên tác xuất bản tại Mỹ năm 1949) là cái cớ để buổi giao lưu được diễn ra.
Diễn giả là Long Journey – chuyên viên môi trường và cô Thanh Thúy đến từ Hội quán các bà mẹ cùng kể các câu chuyện từ thực tế công việc của bản thân gắn với môi trường tại nhiều vùng Việt Nam.
Những hi sinh vì lý tưởng giải cứu, bảo tồn động vật hoang dã
Câu chuyện của Thanh Thúy gây ấn tượng từ đầu khi cô giới thiệu cô xuất thân trong gia đình với người cha ngày xưa từng làm thợ săn. Cô tự nhận rằng cảm tình về các con thú sống động trong cô từ thuở ấu thơ, điều đó thôi thúc cô làm điều gì đó để cứu lấy các loài thú rừng.
“Ăn của rừng rưng rưng nước mắt, tôi từng chứng kiến một số người từng phá rừng rất dữ gần đây đã hồi tâm nghĩ lại và có những đóng góp thiết thực để bảo vệ môi trường bằng cách tài trợ, đóng góp cho các chương trình/dự án trồng rừng” – chị Thúy chia sẻ.
Và câu chuyện của Long Journey lại có không gian rộng lớn và nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Anh nhắc đến chuyến công tác mới đây là chương trình bảo tồn rùa biển ở Hòn Bảy Cạnh, Côn Đảo.
“Đây là loài rùa có tuổi hàng triệu năm rồi”, Long mở đầu câu chuyện. Và anh nói về những người kiểm lâm ở đảo, những người phải hi sinh rất nhiều vì lý tưởng giải cứu, bảo tồn động vật hoang dã. “Mùa gió chướng, những kiểm lâm ở đảo bị cô lập thường xuyên, có khi chỉ còn một nhóm 6 anh em sống với nhau không nhận được tiếp tế từ đất liền. Và lúc này cũng là thời điểm bọn xấu “canh me” tấn công: khai thác gỗ, đánh trộm ngư trường, đào trộm trứng rùa…” – Long liệt kê.
Cùng chia sẻ ý này, chị Thúy cũng nhớ lại những người kiểm lâm trở thành bạn bè với nhóm của chị sau khi cùng làm việc. Ở đó có những người chấp nhận mức lương “còm”, vào rừng ở suốt nhiều năm, cặm cụi tìm kiếm các giống thông quý hiếm còn sót lại ở rừng Lâm Đồng. “Trong đó có cả loài thông hai lá dẹt là loài cổ sinh vật tuổi đến hàng triệu năm” – chị Thúy cho biết.
Sức hút từ các câu chuyện thực tế của chuyên viên môi trường
Đường sách vào đêm, nhưng nhiều người quan tâm vẫn nán lại buổi giao lưu bởi sức hút từ các câu chuyện thực tế của chuyên viên môi trường Long Journey.
Anh kể lại lần tham gia cứu chữa một chú cá heo khổng lồ dạt vào biển Vĩnh Hy – sự kiện mà dân miệt biển vẫn gọi là “Ông Lụy”. Chú cá heo nặng nửa tấn, lại mắc kẹt do thủy triều rút, thử thách của các chuyên viên cứu hộ là làm sao duy trì sự sống cho chú cá này qua đêm đến sáng.
Chuyến cứu hộ ấy trở thành một kỷ niệm đặc biệt trong quá trình làm việc của Long. Anh khám phá ra “tận thâm tâm những người dân miệt biển này mong muốn nhìn thấy “Ông” được cứu sống và vẫy vùng mạnh mẽ trở về với biển”.
Nhiều bạn đọc nán lại đường sách dự buổi giao lưu – Ảnh: L. ĐIỀN
Trong số các câu chuyện của Long, còn một phần lưu ý về thiên nhiên tại đô thị Sài Gòn. Theo đó, có những tín hiệu đáng mừng khi các loài hoang dã như sóc, đom đóm đã trở lại với thành phố và bên cạnh đó vẫn còn những câu chuyện buồn, như cuộc rượt đuổi chưa có hồi kết giữa những người muốn giải cứu rùa và những người bán rùa kiểng trên phố thách thức cả kiểm lâm.
Anh Long cũng đưa ra lời khuyên cho các phụ huynh khi muốn cho con em tham gia các tour trải nghiệm việc bảo vệ môi trường. Theo đó, cần xem xét nội dung chương trình có khuyến khích các em mang theo chai nước cá nhân hay không (bởi nếu không, việc dùng nước trong chai nhựa sẽ làm tăng chất thải ra môi trường) và chương trình đốt lửa trại có tổ chức tùy tiện trên cỏ hay không…
Và với Long, niềm mong mỏi đã trở thành chất men gắn anh với các hoạt động môi trường chính là hi vọng một ngày nào đó giới trẻ Việt Nam sẽ có thể kết nối mạnh mẽ với nhau, vừa bảo vệ môi trường vừa kể được các câu chuyện về những giống loài động thực vật độc đáo của Việt Nam cho bạn bè các nước được biết.
Niên lịch miền gió cát kể câu chuyện đầy cảm hứng của một gia đình người Mỹ đã chọn cách sống hòa mình với thiên nhiên, bằng cách tổ chức một trang trại ở Wisconsin theo kiểu tìm hiểu và trân trọng tự nhiên đến mức tối đa. Tác giả Aldo Leopold là nhà địa chất học, nhà môi trường học và là nhà triết học của Mỹ. Năm 1990, Hiệp hội Nghiên cứu tự nhiên Mỹ đã bầu chọn Niên lịch miền gió cát cùng với quyển Mùa xuân vắng lặng (Silent Spring) của Racel Carson là hai cuốn sách đáng trân trọng và đáng chú ý nhất về chủ đề môi trường trong thế kỷ 20.
Niên lịch miền gió cát được xem là một trong hai cuốn sách đáng chú ý nhất về chủ đề môi trường trong thế kỷ 20. https://tuoitre.vn/long-journey-va-nhung-trai-nghiem-an-tuong-trong-hanh-trinh-lam-ban-voi-thien-nhien-20200725191907483.htm
Lam Điền