Khi được trao quyền sáng tạo, trẻ sẽ không làm chúng ta thất vọng
Khi được trao quyền sáng tạo, trẻ sẽ không làm chúng ta thất vọng
Khi được trao quyền sáng tạo, trẻ sẽ không làm chúng ta thất vọng
June 12, 2022

(PLO)- Nhiều hoạt động khởi động mùa hè hướng tới trao quyền sáng tạo cho trẻ em, giúp trẻ vui chơi, học hỏi, vun bồi văn hóa đọc và thỏa sức sáng tạo theo ý mình.

Sáng ngày 12-6, tại Sân chơi thiếu nhi (Nhà Văn hóa Thiếu Nhi TP.HCM) diễn ra các hoạt động vui chơi trải nghiệm cho trẻ em với chủ đề “Khi trẻ là tác giả”.

Chương trình do Hội quán Các bà mẹ cùng Ô cửa sách phối hợp Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam tổ chức.

Khởi động mùa hè gắn với vun bồi văn hóa đọc

Đây là chuỗi hoạt động khởi động mùa hè, trong đó trẻ em là trung tâm, hướng tới những hoạt động trao quyền sáng tạo cho trẻ em.

Cụ thể như chính các họa sĩ và dịch giả nhí sẽ hướng dẫn các trẻ em tham quan thế giới sách “Do trẻ em làm – Cho trẻ em đọc”. Hoạt động nhằm tăng nhận thức cộng đồng về việc thúc đẩy sự sáng tạo của trẻ em.

Đặc biệt, hoạt động còn truyền thông điệp trẻ em có khả năng chủ động thực hiện các công việc liên quan đến sáng tạo.

Nhiều hoạt động cho trẻ vui chơi và thỏa sức sáng tạo. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Trong khuôn khổ chương trình còn diễn ra tiết mục trình diễn trang phục áo dài lấy cảm hứng từ trang sách. Đó là những tà áo dài được vẽ lên hình ảnh nhân vật trong những bộ truyện nổi tiếng.

Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy – Hội trưởng Hội quán Các bà mẹ là người đã thổi hồn cho bộ sưu tập áo dài này.

Chị cho biết, việc vẽ lên áo dài hình ảnh các nhân vật từ trong truyện giúp con trẻ yêu thích đọc sách và yêu thích việc mặc áo dài hơn. Chị nghĩ rằng các phụ huynh ai cũng đều mong muốn con trẻ được học hỏi nhiều điều qua từng trang sách.

Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy chia sẻ tại chương trình. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

“Chúng tôi muốn cho các con có thêm tình yêu với sách bằng cách kể lại các câu chuyện từ trong suy nghĩ của mình. Các bé được nuôi dưỡng những ước mơ và vun bồi văn hóa đọc. Đọc sách không chỉ là đọc những trang sách đẹp trong từng nội dung mà còn giúp con trẻ nâng cao chỉ số IQ, cảm nhận tình cảm qua từng bức vẽ, từng nhân vật” – chị Thúy bày tỏ.

Mạnh dạn trao quyền sáng tạo cho trẻ

Dịp này, Hội quán giới thiệu bộ sách “COVID trong mắt trẻ thơ” do cô giáo Thanh Tâm sáng tạo nội dung và chính các bạn trẻ là những họa sĩ vẽ hình minh họa hay là tác giả chuyển ngữ. Được biết, bộ sách “COVID trong mắt trẻ thơ” được lọt vào top 8 vòng Chung khảo và đạt giải Triển vọng của giải thưởng Thiếu nhi Dế mèn.

Chia sẻ về ý tưởng của bộ sách, chị Vũ Thị Thanh Tâm – người sáng tạo nội dung cho biết, vào thời điểm này năm ngoái, vì dịch bệnh nên các bạn nhỏ phải cách ly xã hội, không được ra ngoài. Lẽ ra mùa hè là mùa vui chơi của trẻ nhỏ, thế nhưng các bạn đã phải trải qua những bất ổn về tâm lý trong khoảng thời gian này.

Và rồi, nhóm chị Thanh Tâm phối hợp cùng nhóm Virus tổ chức chương trình Kể chuyện trên những đám mây vào mỗi tối thứ 5 hằng tuần cho các bé. Trong khoảng 6 tháng, những câu chuyện bắt đầu vơi dần và không đáp ứng đủ nhu cầu của trẻ em trong thời điểm mà trẻ cần được chia sẻ về những điều thực tế đang xảy ra.

“Từ đó, tôi đã sáng tác những câu chuyện về cuộc sống trong thời kì đại dịch. Khi đó, tôi kể cho các bé nghe để các bé góp ý, thay đổi nội dung cốt truyện theo sự mong muốn của chính các em. Vì thế những câu chuyện trong bộ sách này là do trẻ em và vì trẻ em” – chị Tâm nhấn mạnh.

Sau khi nhận được lời mời xuất bản từ NXB Phụ Nữ, chị Thanh Tâm đã nghĩ đến khâu minh họa cho những câu chuyện này. Vì không muốn có những minh họa máy hơi công nghiệp do người lớn thực hiện, chị đã nghĩ tới việc cho các bạn trẻ vẽ tranh minh họa. Các bạn trẻ tự chọn truyện để vẽ minh họa và dịch qua tiếng Anh. Lúc đấy nhóm các tác giả nhí chỉ từ 8 đến 11 tuổi.

Họa sĩ và dịch giả nhí hướng dẫn các em bé tham quan thế giới sách “Do trẻ em làm – Cho trẻ em đọc”. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Chị Tâm bộc bạch: “Lúc thực hiện, tôi không tự tin sẽ được xuất bản vì những bức vẽ của các con còn vụng về, là vẽ tay nên từng nét không sắc sảo. Khi NXB đồng ý xuất bản tất cả những cuốn sách này, tôi thấy đó là một sự mạnh dạn trao quyền sáng tạo cho trẻ em, thể hiện sự ưu ái rất lớn cho những sáng tạo của các tác giả nhí”.

Theo chị Tâm, chúng ta không thể phủ nhận một điều là sự tưởng tượng của trẻ thơ rất phong phú và năng lực sáng tạo của các con là nhiều so với người lớn.

Chị Thanh Tâm tin rằng khi trao những công việc liên quan đến sáng tạo, trẻ thơ sẽ làm tốt hơn người lớn rất nhiều. Nghĩ rằng bộ sách này là dành cho thiếu nhi, đây là sân chơi của chúng nên chị Tâm đã mạnh dạn để các con tự kể những câu chuyện thông qua nét vẽ trẻ thơ, dùng văn phong dịch của trẻ thơ. Từ đó sẽ dễ chạm đến trái tim của độc giả nhí hơn.

“Khi được khích lệ, trẻ sẽ sáng tạo rất tốt. Đó là một điều để nhắc nhở phụ huynh chúng ta. Có những bậc cha mẹ đang không tin vào trẻ em và đang áp đặt quá nhiều. Xin phụ huynh hãy cho các con có được không gian sáng tạo và nhường quyền quyết định cho trẻ em. Khi đó phụ huynh sẽ thấy được mỗi đứa trẻ là một thế giới đặc biệt” – cô giáo trẻ nhắn nhủ tới các bậc phụ huynh.

Lỡ phá hư, con cũng sẽ học được nhiều điều

Một trong những dịch giả – họa sĩ nhí của bộ sách “COVID trong mắt trẻ thơ” là Lê Sinh Hùng (12 tuổi, ngụ Đà Lạt). Em đã dịch hai truyện đó là Ngài Lu và Chiếc bóng mùa đông. Bất ngờ hơn, Sinh Hùng còn là họa sĩ nhí vẽ hình minh họa cho truyện Chiếc bóng mùa đông cùng với anh họ Khôi Nguyên. Hôm nay Sinh Hùng được ba mẹ cho đến TP.HCM để tham gia chương trình này.

Lê Sinh Hùng (bìa phải) cùng anh họ Khôi Nguyên vẽ hình minh họa cho truyện Chiếc bóng mùa đông. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

“Những việc này con rất thích làm nên khá đơn giản với con. Con đã tự dịch sách qua tiếng Anh mà không cần đến sự trợ giúp của người lớn. Lúc đó con chỉ gặp khó khăn là phải cân bằng giữa việc học online và vẽ tranh, chuyển ngữ. Trong lúc dịch, con cảm thấy rất thích truyện Chiếc bóng mùa đông vì bối cảnh là ở Sài Gòn – nơi con từng ở. Con muốn gửi gắm đến các bạn hãy tự tin vào bản thân mình, đam mê sáng tạo và cố gắng thì điều gì chúng ta cũng có thể làm được” – Sinh Hùng nói.

Trò chuyện cùng chị Phan Thị Uyên Thi, phụ huynh của Hoàng Long và Hoàng Phúc – 2 dịch giả của 4 truyện trong bộ truyện này, chị cho biết trong quá trình chuyển ngữ, có những từ không thể dịch hay những đoạn không thể hiện được ý nghĩa nguyên bản, hai con đã nhờ sự hỗ trợ của từ điển hay hỏi ba mẹ.

Hoàng Long và Hoàng Phúc là hai dịch giả của 4 truyện trong bộ truyện này. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Cũng theo chị Uyên Thi, bây giờ thế giới của thiếu nhi hầu hết bị ảnh hưởng bởi điện tử, tivi, điện thoại. Những hoạt động này giúp trẻ tránh xa điện thoại, cho trẻ sân chơi bổ ích để phát triển văn hóa đọc và thỏa sức sáng tạo. Cho phụ huynh thấy được một góc nhìn mới đó là hãy tin tưởng và trao quyền cho trẻ, trẻ sẽ tự tìm thấy sức mạnh của bản thân và sẽ không làm cha mẹ thất vọng.

“Tôi rất biết ơn những người đã đặt quyền lợi kinh tế phía sau và mạnh dạn trao quyền sáng tạo cho trẻ. Bản thân tôi luôn tin tưởng vào hai con trẻ, giao cái gì cũng tin các con sẽ làm được. Tôi chỉ đứng bên cạnh hướng dẫn, không can thiệp hay quyết định thay con. Nếu có lỡ phá hư cái gì thì các con cũng học được một điều gì đó” – mẹ Hoàng Long và Hoàng Phúc tâm sự.

THẢO PHƯƠNG

https://plo.vn/khi-duoc-trao-quyen-sang-tao-tre-se-khong-lam-chung-ta-that-vong-post684305.html

Related Posts