DNVN – Gây ấn tượng sâu sắc với người khác trong hình tượng luôn mặc áo dài truyền thống, chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, người phụ nữ đặc biệt đồng hành với làng nghề truyền thống, và điều hành Hội quán các Bà Mẹ hơn 13 năm nay đã có buổi trò chuyện rất thú vị với Doanh nghiệp Việt Nam khi các làng nghề thủ công đang trong tình trạng khó khăn chung.
Chào chị, với tư cách là người đồng sáng lập, chủ nhiệm Hội quán Các bà mẹ – một hội quán có tuổi đời 13 năm, luôn tổ chức những hoạt động bổ ích dành cho bà mẹ và nỗ lực đóng góp vào các hoạt động cộng đồng. So với tiêu chí từ những ngày đầu lập Hội, sau 13 năm, chị thấy mình “được” gì và “mất”gì? Những gì chị đã làm được và những gì phải tạm gác lại sau 13 năm vận hành?
Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy: “Được” lớn nhất là được làm việc mình thích. Nói theo cách bây giờ là “làm vì đam mê”. Chuyện “được- mất” lúc nào cũng có và hầu như ai làm nghề gì, công việc gì cũng gặp phải chứ không chỉ có mỗi mình tôi. Cân làm sao để cho mình thấy đỡ mệt, thấy còn nhiều chuyện cần làm và thấy cần sống một đoạn đời đáng sống đó là động lực giúp mình đi tiếp hơn chục năm nay.
Chuyện làm được cũng chẳng có gì đáng kể, chỉ biết rằng qua mỗi hoạt động của hội quán tôi được học mà không phải thi (tôi rất ngán thi). “Dám ước mơ và dám hành động”, làm sai thì sửa và điều chỉnh. Cũng may, chục năm nay kể từ khi nhận chức hội trưởng đến nay, tôi vẫn còn đảm nhiệm vị trí này nhờ tuân thủ đúng luật mà chị em bình bầu theo tỉ lệ: “3 sai- 7 đúng”
Trong clip “Chút tình lụa Việt” gần đây, tôi có xem qua, và rất đồng cảm với những trăn trở của chị khi những làng nghề lụa truyền thống bắt đầu không còn đất sống khi lụa của Trung Quốc xâm nhập vào thị trường nước ta với giá thành quá thấp? Chúng ta phải có cuộc giải cứu lụa, như hầu hết các đợt giải cứu nông sản hay sao, thưa chị?
Câu chuyện của lụa hay một số sản phẩm làng nghề, vùng nghề của xứ mình cũng ở trong tình trạng khó khăn chung. Tôi nghĩ không cần một cuộc giải cứu đâu. Chuyện lớn để Hiệp hội Dâu tằm tơ lo, chúng tôi chỉ làm chuyện nhỏ nhỏ trong khả năng thôi. Cụ thể:
Ở góc độ người tiêu dùng: Tôi đã thay đổi cách nghĩ, phong cách sống cũng có khác hơn trước và điều chỉnh hành vi tiêu dùng. Trước đây, khi sắm áo dài tôi vẫn thường chọn vải Trung Quốc giá rẻ. Nhưng từ nhiều năm nay, thay vì mua hai xấp vải kia, tôi chọn mua một xấp lụa Việt. Sắm ít nhưng vẫn có cách để “làm mới” áo và chọn kiểu áo linh hoạt, thoải mái để có lên ký (trong khoảng 1-2 ký) vẫn không lãng phí. Hơn nữa, lụa tơ tằm bao nhiêu năm vẫn không bị lỗi mốt.
Tôi vui vì mỗi sản phẩm mình dùng đều tiếp sức cho làng nghề, chí ít là cho sản phẩm nội hóa (gia công tại Việt Nam, tạo việc làm cho người Việt). Làm cầu nối giữa người sản xuất và người tiêu dùng. Hễ nơi nào có vùng nguyên liệu trồng dâu, nuôi tằm, nơi đó môi sinh tốt lắm , không bị phun xịt hóa chất, thuốc trừ sâu (hơn ba mươi năm trước, nhà tôi có trồng dâu, nuôi tằm)
Ở góc độ người sản xuất: Cần phải cải tiến và giữ chất lượng hàng ổn định mới có thể tạo được niềm tin cho khách hàng trong và ngoài nước. Các sản phẩm cần có thêm các tính năng mang tính ứng dụng cao: Xử lý cho lụa bớt nhăn, khổ vải rộng hơn, mẫu mã mới và thêm các sản phẩm nhuộm màu tự nhiên thân thiện với môi trường, chỉ dẫn địa lý, niêm yêt thành phần nguyên liệu rõ ràng, khắc phục lỗi để người tiêu dùng chọn sản phẩm phù hợp với mình.
Rất nhiều bạn trẻ, những người yêu thích, tâm huyết với những sản phẩm thủ công, mang linh hồn người Việt cũng cho rằng “chính bản thân người Việt hiện nay đang tự làm mất đi các giá trị thủ công truyền thống nói riêng và làm sai lệch giá trị của ngành thủ công nói chung”. Với một người luôn trăn trở cho sự sống còn của các ngành nghề thủ công, đặc biệt là lụa, chị có ý tưởng gì không? Hay chúng ta phải làm sao, như thế nào để hàng thủ công Việt có chỗ đứng của mình?
Tôi sức hèn, tài mọn và cũng không dám lo tới chuyện sống còn của làng nghề đâu. Chỉ thấy trên đường mình đi, có những chuyện có thể làm được thì rủ rê những người chung ý muốn mà làm thôi. Chuyện chúng tôi là chỉ giúp thay đổi được một nhóm rất nhỏ, rất ít còn để làm bài bản thì các hội đoàn có ngân sách, có quỹ cần tổ chức có hệ thống, đừng “đánh trống bỏ dùi”, cần xây dựng thành chuỗi sinh thái mới mong hỗ trợ căn cơ từ sinh kế đến bảo tồn và phát triển. Chúng tôi đang níu giữ lại chút hồn thôi.
Là một người rất tích cực với hoạt động sống xanh, chị thấy hiện nay việc tuyên truyền tác động đã có hiệu quả nhiều chưa? Việc sống xanh cũng phải được áp dụng từ trong nhà ra phố, và chị đã quán triệt điều này trong nhà, đặc biệt với các con chị như thế nào?
Đây là hành trình dài, chúng tôi cũng chỉ cố gắng thực hiện thôi, đây là nhận thức của mỗi người. Chúng tôi may mắn có cơ hội quan sát, tiếp xúc và học hỏi từ nhiều người nên thực hành, áp dụng vào đời sống thường ngày thôi. Các con còn giỏi hơn mình đấy chứ, mình còn phải học lại các bạn nhỏ đó.
Được biết, chị là người phụ nữ rất truyền thống, luôn mặc áo dài, hạn chế sử dụng mỹ phẩm. Như vậy,với làn sóng mỹ phẩm hóa, mỹ viện hóa, người người muốn đẹp kiểu nhân tạo, và nếu con gái của chị cũng không “giữ được nếp nhà” từ mẹ, thì chị phải làm sao?
Ôi, không hẳn vậy đâu. Truyền thống hay hiện đại đều có cái hay mà, tôi muốn được dung hòa và thật ra bản chất của tôi vốn giản dị, không cầu kỳ. Thật ra, hồi mấy chục năm trước, tôi cũng dùng kem thoa mặt theo trào lưu đó chớ. May mà da khỏe, không bị tác động nhiều. Với phụ nữ, ai cũng cần mỹ phẩm để trang điểm mà. Chỉ là dùng lúc nào thôi. Bạn nhìn xem, tới tuổi trung niên rồi, da mặt, môi không còn hồng hào như thời thiếu nữ nên nếu có dịp xuất hiện trước nhiều người hay đi đám tiệc gì đó, ai cũng rất cần thoa chút son, hay dùng chút phấn để nhìn tươi tắn hơn, vậy cũng nên lắm chứ. Rất cần dành thêm tiền, chọn sản phẩm tốt và càng dùng nguyên liệu tự nhiên càng tốt.
Nếp nhà rộng lắm, không chỉ có mỗi việc giữ trang phục áo dài. Tôi lại may mắn có con cùng sở thích nhờ làm bạn với con từ thuở nhỏ. Con gái có ‘gout” chọn và mặc trang phục hay hơn tôi đấy. Cháu vẫn theo nguyên tắc: ít mà chất, chọn loại cháu thích và “tone” màu phù hợp nên tôi cũng được mặc ké.
Để theo đuổi công việc hay được mọi người nói “vác tù và hàng tổng” này, chị phải có mối quan hệ rất chặt chẽ với nhiều chuyên gia, nhiều lĩnh vực và thật sự tốn rất nhiều thời gian cho công việc như vậy. Bí quyết để chị dung hòa được các mối quan hệ này? Ngoài ra, việc theo đuổi quá nhiều ước mơ, giúp đỡ cộng đồng, chị dành thời gian nào cho riêng gia đình của riêng mình? Và chồng chị, có vai trò thế nào trong Hội quán các bà mẹ này không?
Công việc tôi vẫn làm hơn chục năm nay có phần do duyên nghiệp. Hơn hai mươi năm trước, tôi theo học ngành này chỉ vì trường và ngành phù hợp với điều kiện cuộc sống của tôi lúc đó. Đến khi quyết định chuyển nghề, tôi thấy mọi sự gần như được sắp đặt sẵn cho cuộc đời của tôi và tôi nương theo. Những người thầy mới lại xuất hiện trong hành trình mới, tôi được học, được làm. Nghề tôi chọn, tuy không dư dả (biết bao nhiêu cho đủ), chỉ đủ sống nhưng đó là một nghề được đào tạo hẳn hoi chớ không phải “vác tù và hàng tổng”.
Trong công việc, tôi lãnh nhiệm vụ kết nối với chuyên gia cũng trên cơ sở vì chuyện chung: Giúp phát triển cộng đồng dù nhỏ để cùng nhau học hỏi, bổ sung kiến thức và cùng làm những việc tạo nên giá trị cho chính mỗi người tham dự. Tôi trình bày rõ ràng với các chuyên gia về những khoản thù lao dù ít hay nhiều, tuyệt đối không lợi dụng và tôi có chịu thiệt thòi một chút nhưng tôi thấy mình ổn. Tôi biết ơn họ đã hiểu và thương.
Nói bí quyết dung hòa nghe có vậy thôi chớ tôi phải điều chỉnh nhiều lắm. Tôi luôn trân trọng sự cảm thông và chia sẻ của ông xã tôi. Thời gian đầu mới khởi sự hội quán, anh ấy hỗ trợ rất nhiều cho các hoạt động từ nội dung những buổi chuyên đề, chợ yêu thương cho đến các chuyến đi thiện nguyện, làm sách… Mọi sự đã vận hành tạm ổn nên tôi để anh ấy toàn tâm, toàn ý làm những chuyện lớn của gia đình, còn phần tôi chỉ là một người vợ, người mẹ không hoàn hảo, tôi thấy vậy rất đúng với tính cách và sở thích của tôi.
Tôi chưa bao giờ thấy hối tiếc vì thời thanh xuân và tuổi trẻ tôi đã làm lụng vất vả, cật lực để tích lũy, cùng sắm được nhà cửa, ổn định chuyện gia đình mới chuyển đổi công việc. Chấp nhận giảm thu nhập cũng là chuyện thật sự khó khăn đối với tôi. Đành tự hài lòng với chính mình để gia tăng những giá trị khác không chỉ cho mình mà cho con cái. Việc này cũng gian nan và khó nhọc nhưng không thiếu niềm vui tuy không phải đánh đổi nhưng phải trả giá bằng tiền học phí đó chớ.
Xin cảm ơn chị!
Theo: Tạp chí DOANH NGHIỆP VIỆT NAM