Xinh đẹp, tài năng, quyết liệt, Quế Phương là gương mặt nữ hiếm hoi của thế hệ 8X trong ngành dầu khí suy nghĩ thật chín về những chọn lựa sự nghiệp vừa vì mình và vì người. Trong vòng ba năm nay, thế cờ đã lật ngược khi Hoa Kỳ dùng dầu hoả như một vũ khí chiến lược.
Chị có thể cho biết thêm về kỹ thuật đã giúp Hoa Kỳ đẩy giá dầu xuống mức thấp kỷ lục này?
Đó là công nghệ khai thác dầu mỏ từ đá phiến.
Dưới đáy của những mỏ dầu đã bơm ra gần cạn từ đầu thế kỷ 20 đến giờ, là những mỏ đá shale oil chứa dầu nằm lẫn trong đá. Dung lượng mỏ “shale oil” còn nhiều hơn những mỏ dầu bơm lên dễ dàng trước kia. Dầu trong mỏ đá phiến trước đây không lấy ra được. Kỹ thuật mới dùng cách đào ngang để tiến sâu vào những mỏ đá phiến. Sau đó hàng ngàn gallon nước được bơm thẳng vào những vết nứt của mỏ với áp suất cực mạnh để hút dầu và khí đốt nằm trong đá ra và được bơm thẳng lên trên mặt đất. Kỹ thuật này gọi là hydraulic fracturing, thường gọi tắt là fracking và hiện đang được áp dụng tại ba vùng có mỏ dầu shale oil lớn nhất Hoa Kỳ. Đó là vùng Bakken tại bang North Dakota, vùng Permian Basin gần Midland, Texas và vùng Eagle Ford tại phía nam Texas.
Nhờ vào số lượng dầu bơm từ ba vùng này, mức sản xuất dầu của Hoa Kỳ đã tăng vọt. Với đà này, theo cơ quan Năng lượng quốc tế (International Energy Agency), đến năm 2020, Hoa Kỳ sẽ qua mặt Saudi Arabia để sản xuất lên đến mức 11,6 triệu thùng dầu một ngày!
Tại sao chị lại quyết định dành hai năm để làm truyền thông cho cộng đồng?
Tôi về nước đầu năm 2006, thấy rõ cái mà Việt Nam yếu nhất và hiện vẫn thiếu, đó là truyền thông cho cộng đồng. Một chuyến đi đã làm thay đổi cuộc đời tôi: trên chuyến xe đò về quê, tôi ngồi cạnh hai bà mẹ xa lạ có hai đứa con, một đứa ba tháng, một đứa một tuổi. Hai cháu đều bị tim bẩm sinh mà các bà không biết là phải chích ngừa rubella trước khi sinh. Tôi đã quyết định cùng Thuý sáng lập hội quán Các bà mẹ. Dành hai năm cho công việc này, tôi không tính toán chuyện tiền bạc, chấp nhận con đường sự nghiệp của mình có thể chậm hơn so với bạn bè khác, nhưng đến giờ tôi thấy đó là hai năm đầy ý nghĩa. Chương trình Thai giáo, Ứng xử học đường, Chú hề đến các trường nhi đồng… tập trung vào ba đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong xã hội là bà mẹ, trẻ em và giới trẻ. Những hoạt động của hội quán đã đánh động đến cộng đồng về những khoảng tối mà chúng ta đã bỏ quên vì vô cảm hoặc vì thiếu hiểu biết.
Vì sao chị lại chọn SPE, một cộng đồng liên quan đến ngành dầu khí?
Điều tôi muốn là năm năm nữa mình sẽ ở chỗ nào và ở đâu chứ không phải kiếm một công việc có nhiều tiền để sắm sửa. Bố tôi vốn là một trong 100 người đầu tiên được chọn đi học ngành dầu khí ở Baku. Sinh ra, lớn lên ở Vũng Tàu, dầu khí với tôi giống như máu thịt, mọi người ở đây đều nói về chuyện đó. Nhưng nên làm gì trong ngành dầu khí là câu hỏi khác. Từ bé bố mẹ tôi đã luôn biết chia sẻ với những người xung quanh, từ trẻ nhỏ, người già, đến cả chó, mèo. Lớn lên điều đó đã thấm vào anh em tôi, luôn mở lòng với những người cần giúp đỡ thực sự…Nước Úc là một trường học lớn cho tôi, một dân tộc biết sống vì cộng đồng. Không ngạc nhiên khi một đất nước chỉ có 21 triệu dân lại mạnh như thế.
Trong thời gian làm cho công ty Essar của Ấn Độ, tôi được tham gia những hoạt động thiện nguyện của SPE, tôi thấy cách làm của họ hay quá, đưa cho người mà mình muốn giúp đỡ những gì họ cần nhất chứ không phải những gì mình có. Mỗi lần đến với trẻ em, với sinh viên, với đội ngũ kỹ sư dầu khí trẻ… họ đều tìm hiểu rất kỹ mỗi đối tượng cần gì. Tôi đã quyết định chọn SPE, vừa giúp cho sinh viên chuyên ngành dầu khí của các trường đại học, vừa cùng các kỹ sư dầu khí là thành viên của hiệp hội hỗ trợ trao đổi thông tin kỹ thuật mới, giúp cho ngành dầu khí Việt Nam thêm phát triển. Rất vui là SPE VN năm nay đã được trao tặng là hiệp hội tốt nhất của SPE thế giới, số lượng thành viên so với năm 2012 đến nay đã tăng gấp đôi, quỹ học bổng cho sinh viên tăng 25% mỗi năm.
Tất cả là kết quả của những nỗ lực không mệt mỏi của tất cả các thành viên trong hiệp hội, tôi cũng biết ơn sâu sắc các nhà tài trợ mạnh thường quân trong ngành dầu khí đã luôn động viên hỗ trợ những hoạt động thiện nguyện do SPE Việt Nam tổ chức.Riêng về phần mình, tôi luôn cam kết dành 10% tổng thu nhập để giúp những người cần giúp. Nếu mỗi người Việt Nam “nhín” 10% để giúp họ hàng và người xung quanh, thì điều đó sẽ mang lại hạnh phúc cho rất nhiều người. Tôi luôn khuyến khích những người bạn xung quanh tôi làm điều tương tự.
Điều gì quý nhất chị đã học được từ những ngày du học ở Úc?
Về kiến thức, tôi có thể quên hết, nhưng điều tôi học được không bao giờ mất đi chính là lối sống của họ, điều làm nên sức mạnh của nước Úc.
Đó là một trường học lớn cho tôi, một dân tộc biết sống vì cộng đồng. Không ngạc nhiên khi một đất nước chỉ có 21 triệu dân lại mạnh như thế. Họ bảo vệ môi trường cực kỳ tốt, trẻ em học hành thoải mái, từ lớp 1 đến lớp 3 không cần sách giáo khoa, học sinh lớn giúp học sinh bé, người dân nghỉ làm từ thứ sáu đến chủ nhật. Mọi cửa hàng buôn bán đến 5 giờ 30 là nghỉ. Tôi không ước mơ có cuộc sống như người Mỹ, người Nhật, mà được như người Úc, ở đó, tôi cảm thấy mình không phải là… sinh vật lạ. Đó là điều có thể làm ở Việt Nam.
Nỗi đau đớn nhất của chị khi nhìn vào những giá trị sống hiện nay đang bị nghiền nát?
Tình mẫu tử đang bị xoá mất, cắt xén, chà đạp. Nạn phá thai, có đứa này bỏ đứa kia, mẹ không ra mẹ, con không ra con… đang diễn ra tràn lan. Xót xa vô cùng khi người mẹ từ bỏ quyền làm mẹ, trẻ em từ bỏ quyền làm con. Tình nghĩa vợ chồng cũng đang bị đồng tiền, dục vọng, quyền lực… làm cho mai một đi, không còn đẹp nữa. Mong ước nhỏ bé của tôi trước mùa xuân mới là mỗi người mẹ, mỗi người con, người chồng, người vợ… hãy bỏ qua áp lực về cơm áo gạo tiền, dành ít thời gian nhìn lại mình, để biết những gì cần phải làm ngay cho mẹ mình, cho vợ mình, cho con mình… Đó chính là cách lan toả tốt nhất, để trở về với những giá trị thật, để cái tốt được gieo mầm.
Tôi vẫn tích cực gieo mầm, gieo mười mầm được ba, bốn là vui lắm rồi. Tôi cũng gửi lời cảm ơn trân trọng đến những cán bộ trẻ của bộ Ngoại giao đã hỗ trợ rất hiệu quả cho các tổ chức hiệp hội phi chính phủ (NGO), chắp cánh cho sự thay da đổi thịt của các NGO trong những năm qua, góp phần làm thay đổi rất lớn nhận thức của người dân về những giá trị cộng đồng, tôi tin xây dựng giá trị cộng đồng chính là xây dựng sức mạnh của Việt Nam.
Thực hiện Kim Yến, hoạ chân dung Hoàng Tường